1. Khu thiền viện Trúc Lâm-Hồ Tuyền Lâm-cáp treo.
Thiền viện Trúc Lâm thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử chi nhánh Đà Lạt nằm trên núi Phượng Hoàng cách trung tâm thành phố 5km. Đến đây các bạn sẽ được tắm mình trong khí trời thanh tịnh nơi bồng lai, mặc sức ngắm cảnh. Khi thì là ngắm nhìn đường đèo quanh co, rừng thông xanh ngợp, vườn hoa muôn sắc bên dưới từ trên cáp treo cao vút. Khi thì là cảnh quan chùa chiền thanh tịnh với hương thơm của nhiều loài hoa trong vườn hòa quyện vào hương khói nhang nghi ngút sẽ khiến tâm hồn bạn trở nên bình lặng, dễ chịu. Âm sắc của những chiếc chuông gió thanh thoát được treo trên các mái cong cong của khu thiền viện thỉnh thoảng lại ngân rung khi gió nhẹ như đánh thức các giác quan cảm thụ thiên nhiên trong bạn. Và khi đã xuống đến hồ Tuyền Lâm, bạn sẽ lại tiếp tục mãn nhãn trước quang cảnh trời, mây, nước xanh ngắt được bao bọc bởi những ngọn thông rì rào trải rộng ngút ngàn. Khi ấy, bạn sẽ không cảm thấy mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên bao la mà mình thực sự chính là một phần của cảnh quan tuyệt diệu ấy. Với những bạn ưa mạo hiểm đã có thuyền chở các bạn dạo chơi trên hồ, vào sâu trong thung lũng để hòa mình vào mẹ tự nhiên chứng kiến hoàng hôn trong khung cảnh yên bình. Bộ ba địa điểm thiền viện Trúc Lâm-Hồ Tuyền Lâm và khu du lịch cáp treo nằm ở vị trí quán quân trên top 10 cũng từ đây. Cụm ba địa điểm này tham quan sẽ không tốn sức như những địa điểm khác ở Đà Lạt, lại rất gần khu vực thác Datanla, để thuận tiện, nên kết hợp tham quan bốn địa điểm này trong cùng một ngày bạn nhé!2. Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt
Công trình này do kiến trúc sư Moncet thiết kế, với việc vận dụng táo bạo về mặt kích thước của kết cấu, cũng như dùng gạch ép ốp tường và mái lợp ngói ardoise (thạch bản) xanh đen được vận chuyển từ Pháp sang. Đây là công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn Châu Âu, nhưng cũng đồng thời kết hợp được nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để tạo thành một công trình kiến trúc hòa hợp giữa Đông và Tây. Thật xứng tầm một công trình được ghi nhận vào danh mục 1000 kiến trúc đẹp nhất thế kỷ XX, tòa tháp bốn tầng dạng vòng cung cùng với tháp chuông cao thật sự vô cùng nổi bật và lộng lẫy trên ngọn đồi thông thoáng cạnh đường Yersin. Đứng từ hồ Xuân Hương trông ra phía xa, tháp chuông màu hồng cam của tòa tháp cổ như đem lại chút ấm áp giữa trời cao nguyên đầy sương lạnh. Nếu bạn là một người mê chụp ảnh, dĩ nhiên không thể bỏ qua địa điểm này. Việc đưa trọn vẹn tòa tháp vào một khung hình thật sự là một thử thách với máy ảnh kĩ thuật số loại thông dụng, thế nhưng sau khi lay hoay chọn góc chụp và có được tấm ảnh, đảm bảo bạn sẽ không phải thất vọng. Ngày 28 – 12 – 2001, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được công nhận là Di tích Kiến trúc Quốc gia.3. Dinh Bảo Đại
Biệt Điện Bảo Đại, còn gọi là Dinh 3 được xây dựng vào khoảng năm 1933-1938 theo đồ án của kiến trúc sư Paul Veysseyre. Tòa dinh thự ngoài những phòng ốc của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa ra, còn có những phòng dùng để trưng bày bảo vật triều Nguyễn, đa phần là vật dụng của vua Bảo Đại. Bên trong tòa dinh thự, bạn có thể tìm hiểu về cuộc sống đế vương của gia đình vị vua Nguyễn cuối cùng trong lịch sử chế độ phong kiến hàng ngàn năm của nước ta. Tòa dinh thự ngoài những phòng ốc của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa ra, còn có những phòng dùng để trưng bày bảo vật triều Nguyễn, đa phần là vật dụng của vua Bảo Đại. Tại phòng khánh tiết vẫn còn một kỷ vật là bức tranh đền Angkor Wat do hoàng thân Shihanouk (Campuchia) tặng cho Bảo Đại.4. Nhà thờ Domain
Công trình mang đậm phong cách kiến trúc của các nhà thờ vùng Normandie nước Pháp, được xây dựng vào năm 1940-1943 là địa điểm tiếp theo không thể bỏ qua khi đến thành phố ngàn hoa. Nét đặc sắc của nhà thờ Domain de Marie là không có tháp chuông, và hệ thống chiếu sáng của nhà thờ được làm bằng những khung kính màu. Ngoài ra du khách còn có thể nhìn thấy một pho tượng Đức Mẹ ban ơn cao 3m, nặng 1 tấn đứng trên quả địa cầu. Vào khuôn viên nhà thờ bạn có thể thấy rất nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa Hải Tiên. Phía sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu mới, càng làm tăng thêm vẽ uy nghi và trang nghiêm cho nhà thờ. Vì chỉ dùng duy nhất một màu vôi hồng đậm để quét tường, nên dưới ánh nắng nhà thờ như sáng rực lộng lẫy hẳn lên. Điểm đặc biệt khi bạn ghé thăm nhà thờ Domain là không chỉ gói gọn trong việc thuần thưởng thức phong cảnh như ở những nơi khác mà còn có thể kết hợp để làm những việc vô cùng ý nghĩa. Bản thân kiến trúc tòa nhà thờ, khu vườn và khu tu viện xung quanh đã rất đặc sắc, nhưng sẽ còn trọn vẹn hơn khi bạn có thể quyên góp hoặc đến khu nhà sách để mua đồ ủng hộ những trẻ mồ côi, người tàn tật, chung tay giúp các nữ tu nơi đây làm việc bác ái. Nhà thờ Domain de Marie là nơi sinh sống và làm việc của các Nữ Tu Bác Ái, họ đan áo lạnh, bán cho du khách vào tham quan nơi đây.5. Thác Datanla
Thác Datanla trước đây được bà con dân tộc thiểu số địa phương gọi là “Đa tam n’nha”, theo tiếng K’ho có nghĩa là “Dưới lá có nước”, về sau được phát âm thành Datania, và sau đó là Datanla. Thác nằm dọc đèo Prenn, cách Đà Lạt 5km. Thật lý tưởng nếu bạn đi xe máy từ Đà Lạt, vượt một đoạn đường đèo thơ mộng bạt ngàn thông xanh để đến tham quan thác Datanla. Khác với tình hình ô nhiễm trầm trọng của thác Camly, thác Datanla gần như vẫn còn giữ được nét hoang sơ của nó, vào mùa mưa, dòng thác cuồn cuộn chảy tung bọt trắng xóa. Thật chẳng còn cảm giác nào dễ chịu hơn khi được nhúng bàn chân trần vào dòng nước thác mát lạnh giữa trời trưa nắng gắt với bóng mặt trời vàng rực trên đầu. Dưới chân thác, dòng suối Datanla chảy chậm lại, luồn lách qua những mỏm đá rồi chảy vào một số hố sâu gọi là “Vực Tử Thần” nằm giữa hai bên vách đá thẳng đứng cao hơn 40m. Muốn xuống tham quan thác, du khách có thể đi bộ theo một trong hai con đường dốc quanh co với trên 200 bậc cấp. Hoặc sử dụng hệ thống xe trượt ống (máng trượt) hiện đại được lắp đặt ngay bên trong khu du lịch thác, chẳng những không làm ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên nơi đây mà còn góp phần khiến chuyến đi của bạn thú vị hơn gấp đôi. Một bí mật nho nhỏ (dành cho những ai chưa từng đến Đà Lạt): Máng trượt ấy là một trò chơi cảm giác mạnh thật sự hay chỉ là một trò chơi nhẹ nhàng êm ái để bạn thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên còn tùy thuộc vào bạn nữa nhé!6. Núi Langbiang
Langbiang – là hai tên ghép từ câu chuyện của chàng K’lang và nàng H’biang theo truyền thuyết của dân tộc K’Ho. Ngọn núi cao nhất Đà Lạt gắn với câu chuyện tình lãng mạn của người dân tộc Hơ Ho-lạch, nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt 12km. Đoạn đường dốc dài khoảng 6km từ cổng khu du lịch lên đến địa điểm ngắm cảnh là điều đầu tiên thu hút khi bạn đến với Langbiang. Thăm quan Langbiang bằng con đường mòn sẽ có những cảm giác mới lạ nhưng rất sẽ khó khăn cho người không có sức khỏe. Cảnh rất đẹp, thông rất xanh, gió rất mát (và đôi khi còn rất mạnh), con đường có những đoạn dốc rất cao, cua rất gắt…biết bao nhiêu điều thú vị mà bạn phải vượt qua để lên được đến địa điểm ngắm cảnh. Bởi thế phần lớn các bạn đến đây điều chọn cách chinh phục Langbiang bằng xe “dã chiến”, đó là những chiếc xe UAZ màu xanh của khu du lịch, đi lên con đường trải nhựa dài 6km, từ chân núi đi ngoằn ngoèo, vòng quanh trong rừng thông, cứ yên tâm là mỗi hình thức di chuyển sẽ có những cái thú vị riêng của nó, các bác tài lái xe với tốc độ cao trên đường dốc khúc khuỷu sẽ cho bạn cảm giác hệt như đang chơi một trò cảm giác mạnh. Để đi được đến đỉnh Langbiang, tốt nhất là bạn nên đi thành nhóm đông và có người hướng dẫn vì con đường ấy không phổ biến và xe jeep cũng không đi lên đến đó đâu!7. Dãy quán cà phê gần chợ Đà Lạt
Nhắc đến Đà Lạt thì tất nhiên người ta sẽ nghĩ đến phong cảnh lãng mạng với cái lạnh se se lòng người. Thế nên đầu tiên khi lên đến Đà Lạt là phải thưởng thức món cafe. Cà phê ở Đà Lạt rất đa dạng, mang nhiều phong cách khác nhau, từ những quán bình dân cho đến sang trọng, từ sôi động cho tới yên tĩnh, có những nơi dành cho nhóm bạn nhưng cũng có những góc riêng chỉ dành cho hai người. Mỗi quán có một phong cách riêng nhưng nhìn chung, điều mà các bạn có thể tìm thấy trong các quán cà phê dạng này sẽ là một góc nhìn cực kì lý tưởng và thơ mộng bên cạnh một tách cà phê thơm lừng bốc khói hoặc đôi khi còn là một cốc kem lạnh ngắt để bạn trải nghiệm cảm giác ăn kem giữa trời lạnh. Ngồi trên quán cà phê cao cao trông ra đường phố nhộn nhịp, chợ búa tấp nập, cảm giác hẳn sẽ rất khác so với những quán cà phê Sài thành. Nếu bạn là người không sợ lạnh, một lời khuyên dành cho bạn là nên đến thăm quán cà phê vào buổi tối, vừa có thể ngắm nhìn phiên chợ đêm bên dưới, vừa có thể thả mình trôi theo cảm xúc của đêm trên phố núi.8. Nem nướng Bà Hùng
Đà Lạt là vùng đất tập hợp nhiều dân tộc khác nhau đến sinh sống và lập nghiệp nên ẩm thực cũng là sự tổng hợp những đặc trưng và khẩu vị đa dạng phong phú của nhiều vùng khác nhau trong cả nước. Bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn khi đến với nem nướng Bà Hùng. Dùng bánh tráng Nha Trang để nem nướng và rau sống vào cuốn lại gọn gàng, chấm vào chén nước mắm sền sệt có màu vàng nhạt. Từ từ thưởng thức sẽ cảm nhận hết mùi thơm của nem nướng hòa quyện trong từng hương vị của các loại rau thơm, dấp cá, xà lách,… và vị béo thơm của nước chấm. Điểm khác biệt giữa các quán bán nem nướng chính là ở nước chấm. Theo nhận xét của phần đông du khách và dân địa phương thì quán nem nướng Bà Hùng là làm tương đậu phộng ngon nhất. Bí quyết được gia truyền luôn được giữ vững và ngày càng phát triển. Nem nướng Bà Hùng đã đem đến cho thực khách những bữa ăn ngon miệng khi đến với Đà Lạt. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại địa chỉ 254 Phan Đình Phùng, Đà Lạt.9. Bánh canh Xuân An
Ở Đà Lạt có rất nhiều quán bánh canh. Một số đã có chút danh tiếng như quán bánh canh Phan Rang đường Trần Phú hay số 22 Hai Bà Trưng. Nhưng nổi tiếng đến mức trở thành mặc định "chưa ăn bánh canh tại quán thì coi như chưa tới Đà Lạt" là quán Xuân An trên đường Nhà Chung. Có thể tóm gọn lại về món ăn này bằng hai từ: Ngon và rẻ! Quán có hai món, bánh canh giò và bánh canh chả. Dù là ăn loại nào đi nữa, bạn cũng sẽ không cảm thấy thất vọng. Trong cái không khí se lạnh của Đà Lạt, tô bánh canh chả cá bốc khói nghi ngút, điểm xuyết mấy miếng chả màu vàng, ít hành lá xắt nhuyễn, hành củ chẻ sợi nhìn đã muốn xì xụp. Thêm một ít chanh, ít mắm ớt, “thổi đến đâu húp đến đó” càng tuyệt. Không những hấp dẫn về phần nhìn, "nội dung" của món ăn cũng cực ổn với những sợi bánh canh được làm thủ công dai và mềm. Chả cá cũng giòn và mịn. Nước dùng đậm đà. Buổi sáng quán bán bún bò, bánh canh được bán vào buổi chiều, giá 25.000 – 30.000 đồng/tô.10. Chả ram bắp
Cái hay và đặc biệt của thành phố sương mù này là có thể làm cho du khách dù ở tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể trở thành bạn, khi có dịp lê la thưởng thức những món ăn vặt nơi trung tâm nhộn nhịp đông đúc, khi thành phố về chiều và chuẩn bị lên đèn. Chả ram bắp Đà Lạt có thể được xem là một trong những mối tơ gắn duyên du khách vào không gian nhộn nhịp bình dân ấy. Nếu bạn là một người thích ăn vặt và “ghiền” các món chiên nóng thì bảo đảm là bạn sẽ “căng bụng” vì cứ ăn mãi món này mà quên luôn là mình đã no lúc nào không biết đấy. Chả ram bắp chín có mùi thơm rất lạ, không chỉ phảng phất cái thi vị của món chả giò truyền thống, mà còn quyện vào đó một chút thanh của mùi bắp chín hấp dẫn đến lạ lùng. Dùng chung với chả ram bắp là rau sống, rau thơm tươi nguyên của Đà Lạt và nước chấm rất đặc biệt, đây là yếu tiên quyết. So với nem nướng, món này còn một ưu thế là giá cả rất bình dân. Bạn muốn ăn chả ram bắp như món ăn vặt cũng được mà muốn ăn no luôn thì cũng không có vấn đề gì!(Migola Travel)