(Trích bài đăng của nhà báo Đặng Kim Phương trên Báo ảnh Việt Nam ngày 14 tháng 8 năm 2017) Núi Kailash cao 6.714m được coi là “vũ trụ tâm linh” của cả bốn nền tôn giáo gồm Phật giáo, Hindu, Jains và Bon. Theo tín ngưỡng cổ đại, ngọn núi Tây Tạng thần bí này tượng trưng cho trục trái đất hay chiếc thang dẫn lên trời. Chuyến hành hương chiêm bái núi thiêng Kailash với Migola Travel của tôi vừa là nhân duyên hy hữu vừa là một trải nghiệm đầy gian nan bởi điều kiện địa hình, thời tiết khí hậu nơi đây quá khắc nghiệt.
Những hiện tượng bí ẩn ở núi Kailash
Cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng hơn 1.000km về hướng Tây, núi Kailash có nghĩa là “viên ngọc quý tuyết vĩnh cửu” với nhiều bí ẩn. Theo truyền thuyết Phật giáo đây là nơi có thể tìm thấy thành phố của các vị Thần, là một thánh địa lưu giữ kho tàng tri thức huyền bí của cổ nhân, hay còn được gọi là núi Tu Di. Truyền rằng đức Phật và 500 vị A-la-hán đã bay từ Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) đến núi Kailash. Sau đó, Đức Phật ngồi trên tảng đá ở phía trước ngọn núi Kailash và giảng dạy giáo lý cho các vị thần Naga đang cư ngụ tại hồ nước thiêng Manasarovar và hồ quỷ Lanka. Núi Kailash cũng là thành Thiên Đế của người Xômachi, những người tu tập giác ngộ tự biến mình thành đá. Vùng linh địa này được bao quanh bởi 4 quả núi của 4 vị Phật và Kim Cang trong Ngũ Trí Như Lai, các hang động của Tổ sư Milarepa, đạo tràng của Tổ sư Liên Hoa Sanh và hang động của Bồ tát Quan Âm.
Theo giáo lý Phật giáo Tây Tạng, Shambhala là “cõi tịnh độ và an nhiên của phật tử chúng sinh”, là một vương quốc huyền thoại, nơi con người mở rộng trái tim hướng thiện và trí sáng tạo, tìm kiếm tâm linh nhằm soi sáng bước đường tương lai. Trong suốt hàng thế kỷ qua, các vị Lạt Ma Tây Tạng đã và đang tìm kiếm vị trí thực sự của Shambhala, song họ đã ra đi mà chưa một lần trở lại. Có thể họ đã tìm thấy miền đất bí ẩn này và ở lại đó, cũng có thể họ đã bỏ mạng trong hành trình tìm kiếm ấy. Cuối cùng, vẫn chưa có một ai tuyên bố đã tìm thấy chốn thần bí ấy.
Đường đến Darchen, Kailash
Qua cuốn sách “Hành trình về Phương Đông” và 5 tập sách “Trong vòng tay Sambala”; “Bức thông điệp bi thảm của Cổ nhân”; “Chúng ta Thoát thai từ đâu”; “Hoàng kim bản Harachi” và “Ma trận sự sống trên trái đất” của Tiến sĩ Y học E. Mun Đa Sép, Trung tâm Phẫu thuật mắt và tạo hình Liên Bang Nga, trong tôi luôn khao khát được Kora (kinh hành) núi Kailash một lần trong đời. Đoàn Việt Nam gồm 12 người, do công ty Migola Travel tổ chức, xuất phát từ hai điểm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Thành Đô, Trung Quốc (quá cảnh tại Quảng Châu). Ngồi trên máy bay từ Thành Đô đến Lhasa, ngắm cảnh trời xanh, mây trắng, ẩn hiện dãy núi Himalaya hùng vĩ phủ tuyết, phong cảnh như cuốn hút du khách Việt.
Sau 2 ngày tham quan ở Lhasa, đến chùa Đại Chiêu (Jokhang Tempel) là ngôi Chùa theo Phật Giáo Mật Tông Tạng truyền, chúng tôi cùng cầu nguyện cho chuyến Kora núi Kailash được thành công. Ngày hôm sau, chúng tôi lên xe bus để đi Kailash, lái xe của chúng tôi tên A Phur Bu cùng hai hướng dẫn viên người Tạng là TenZin và Thinley. Trên đường đi bức tranh Tây Tạng trải dài ngút mắt, hai bên là những đỉnh núi cao vời vợi, bên dưới núi là thảo nguyên với những con Jak (trâu rừng) của Tây Tạng hay đàn cừu hiền lành nhẩn nha ăn cỏ. Không gian rực rỡ một thứ sắc màu thuần tuý, thanh tịnh và trong suốt. Trước sau cũng chỉ núi đồi và thảo nguyên, nhưng bức tranh Tây Tạng luôn biến hóa, đa sắc màu, sinh động và hấp dẫn. Tây Tạng có một cảnh giới khác hoàn toàn so với những nơi tôi đã qua. Chúng tôi qua Shigate, Sakya, Saga, Darchen, càng lên cao thời tiết càng trở nên khắc nghiệt, biến đổi bất chợt, đang nắng vàng đẹp đẽ, bỗng mưa tuyết trắng đường. Thời tiết ở Kailash lạnh dưới 00C, không khí loãng làm cho nhiều du khách đau đầu, mất ngủ. Trong đoàn đi, đã có người phải quay về Việt Nam, không tiếp tục cuộc hành trình bởi sức khỏe không cho phép.
Hành trình Kora núi Kailash
Ngày đầu tiên Kora, chúng tôi chia làm hai tốp, 4 người đi ngựa, 7 người đi bộ, chúng tôi đến Dirapuk, điểm nghỉ đêm đầu tiên lúc 6h tối và cũng là nơi gần núi Kailash nhất. Núi Kailash chưa được con người khai phá, phủ trên núi là lớp tuyết trắng, hình dáng khác thường. Các nhà khoa học Nga cho rằng đỉnh núi thực chất là một kim tự tháp nhân tạo thời cổ đại, được bố cục chính xác theo bốn hướng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc), trung tâm của một tổ hợp gồm hàng trăm kim tự tháp nhỏ hơn. Không chỉ vậy, tổ hợp công trình này có thể là trung tâm của một hệ thống toàn cầu kết nối nhiều di chỉ hoặc di tích khác, nơi nhiều hiện tượng siêu thường, kỳ lạ đã xuất hiện. Hình dạng của núi giống một nhà thờ lớn, các sườn núi vuông góc đến kinh ngạc, dựng thẳng đứng trong khoảng hàng chục mét. Đêm tuyết rơi, gió thổi ào ào, lạnh buốt làm cả đoàn không ai ngủ được.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, bắt đầu cho hành trình ngày thứ 2, nhiệt độ xuống khoảng -200C, đỉnh đèo tử thần Dolma-la cao hơn 5600m hiện ra trước mắt. Từ trường hay năng lượng của Kailash rất mạnh, mạnh đến mức có người phát điên hay mất trí nhớ, thậm chí phải bỏ xác vĩnh viễn lại đây. Đi qua hồ Đại bi, là xuống dưới bình nguyên A Di Đà, bên phải là núi “Rìu nghiệp lực”. Ngày thứ 3, mưa tuyết trắng đường, người và ngựa lầm lũi đi qua những vách núi, bên dưới là thung lũng, chúng tôi cẩn trọng đi qua 3 ngày đêm khoảng 52km, vượt qua nhiều đèo, vách đá, khe suối, nhiều nơi điểu táng (khi người chết được băm nhỏ cho chim kền kền ăn của người Tạng).
Điểm cuối của vòng Kora chúng tôi dừng lại thỉnh một hòn đá được khắc chữ Tạng để trên núi tạ ơn đức Phật và các đấng linh thiêng đã giúp chúng tôi thực hiện thành công chuyến Kora mà ai tham gia cũng đã hằng mơ ước từ lâu. Một niềm tin sẽ được tịnh hóa nghiệp bất thiện và đem đến kết quả an lạc giữa cuộc sống. Nhiều người xúc động sụp xuống khóc như một đứa trẻ, hạnh phúc như đã được trở về thăm nhà, nơi mà luôn có trong sâu thẳm tâm thức, chỉ cần có cơ hội là trỗi dậy niềm khao khát, kinh hành vòng quanh núi Kailash, Tây Tạng./.