Mỗi quốc gia trên thế giới lại có một phong tục, tập quán ăn uống khác nhau. Chính yếu tố đa dạng trong ăn uống đã tạo nên những nền văn hóa khác nhau. Tuy ẩm thực Iran chưa được xếp vào hàng đặc sắc nhất trên thế giới như Ý, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc … nhưng văn hóa ẩm thực Iran cũng có rất nhiều màu sắc đa dạng và những nét đặc trưng riêng gắn liền với phong tục, lối sống của họ. Hơn nữa, để có thể du lịch Iran không khỏi bỡ ngỡ, thì sau đây là một số nét đặc trưng cơ bản trong văn hóa ẩm thực mà du khách không nên bỏ qua.
Quốc gia không ăn ngoài
Với tập tục và quan điểm khắt khe “cuộc sống phải điều độ, kín đáo” nên hầu hết người dân Iran không có thói quen ăn hàng quán mà có thói quen ăn uống tại gia bất kể thường ngày hay Lễ Tết.
Đặc điểm chung của Ẩm thực Iran
Đặc điểm chung đầu tiên của ẩm thực Iran là vị cay và nồng từ các nguyên liệu quế, nghệ, hành, ớt,…
Điều thứ hai đó là các món ăn thường trộn nhiều nguyên liệu với nhau. Cho dù cơm, canh hay đồ nướng. Những nguyên liệu chính là rau, củ, hạt quả với nghệ, quế, ngò, diếp, mộc qua, óc chó, lựu, nho, táo, mận khô, chanh, ớt ngọt, cà chua, lá cải bắp, lá nho, đậu ván, bí ngô, bí đao, cà rốt, dưa chuột và hành.
Bữa sáng trong ẩm thực Iran
Bữa sáng người Iran gọi là sobhaneh hay nashtayi bao gồm các loại bánh mỳ, bơ, sữa, pho mát trắng, kem, mứt hoa quả. Naahaar là tên gọi cho bữa trưa của người Iran. Bữa tối là shaam. Lúc này, mọi người phải sửa soạn nấu nướng khá lâu. Bữa cơm này nói chung sinh động, đa sắc, giàu dưỡng chất. Khác nhiều nước, người Iran dùng bữa ăn trưa bắt đầu từ một giờ đến ba giờ trưa và bữa ăn tối sau chín giờ tối. Khi bữa cơm đã bày sẵn, cả nhà ngồi quây quần bên nhau.
Những món ăn truyền thống
Món ăn truyền thống đầu tiên phải kể tới là món cơm nàng hương (nấu từ gạo thơm berenj). Đây cũng là lương thực chính có mặt trong mọi bữa ăn ở Iran. Hiện nay, nước này có nhiều loại gạo như champa, rasmi, anbarbu, mowlai, sadri, khanjari, shekari, doodi… chủ yếu được trồng ở miền bắc. Cũng có cơm không tẩm màu mà để trắng gọi là chelo và thường ăn với thịt.
Nhiều khi người ta còn cho rau, thịt, hạt và quả trộn với gạo đem hấp tạo thành các loại cơm gia vị đặc biệt như shirin polo - cơm trộn bột vỏ cam, dâu tươi, cà rốt tẩm mật ong và giá đỗ; baghli polo - cơm có đa vị thuốc và sabzi polo - cơm có vị ngò, thìa là và bạc hà. Do đã đủ mặn ngọt, polo có thể ăn độc lập hoặc kèm thịt.
Ngoài ra, người ta còn ăn cơm với canh rau nấu với thịt (còn gọi là canh đặc khoresht). Tại Iran có tới hàng chục loại canh. Canh chua ngọt fessenjan làm từ bột óc chó và nước lựu ép; ghormeh-sabzi từ rau tươi, chanh khô, đậu tây; gheimeh từ hạt đậu khô tách đôi và canh ngọt sih-aloo từ mận và táo.
Các vùng miền tạo ra sự đa dạng trong ẩm thực Iran
Mỗi vùng miền có một loại đồ ăn đặc trưng, song tựu chung gồm món chelo kakab như barg, koobideh, joojeh, shishleek, soltani, chenjeh; món hầm khoresht ăn cùng cơm trắng Basmati; canh đặc aash, rau chiên kookoo, cơm trắng pollo hoặc cơm ghém thịt hoặc rau như loobia pollo, albaloo pollo, sabzi pollo, zereshk pollo, Baghali Polo và nhiều loại sa lát, bánh, kẹo…
Bánh mỳ Iran - món ngon hè phố
Ở Iran, nói về hàng quán, cửa hàng thì có lẽ nhiều nhất đó là hàng bánh mỳ.
Bánh mỳ cũng là loại thức ăn được sử dụng nhiều như cơm. Iran có tới 40 loại bánh mỳ khác nhau từ màu sẫm đến trắng, từ mềm dai đến giòn cứng. Trong bữa ăn luôn có ít nhất một loại bánh mỳ. Tại Iran, bánh mỳ được gọi là nan, có dạng dẹt. Để bánh nguội bớt, chủ tiệm xếp chồng bánh trên vỉ cao chạy dọc hành lang. Nếu mua ít, từ dăm đến chục cái người ta sẽ không cần gói ghém, mà chỉ tay không cầm bánh mang về. Nếu mua nhiều thì mới cho vào túi. Những tiệm bánh mỳ ngon thì luôn luôn có hàng lượt khách nối đuôi nhau xếp hàng để mua.
Thức ăn nhanh - một đặc trưng hiếm có của ẩm thực Iran
Do cuộc sống bận rộn, người ta cũng dùng các loại thức ăn nhanh, chủ yếu là abgusht – món canh nóng nấu đặc từ thịt cừu, đậu xanh và chanh khô (còn gọi là dizi) chấm với bánh mỳ. Đầu tiên, chủ quán sẽ đưa cho khách hai bát canh một to một nhỏ. Khách sẽ chắt nước từ bát to sang bát nhỏ mà chấm bánh mỳ. Sau khi ăn hết bát nhỏ mới ăn nốt phần thịt còn sót lại ở bát to với bánh mỳ, rau sống, hành tươi và một số thảo dược.
Đồ uống ở Iran - quốc gia của những tiệc trà với phong cách rất riêng
Đó là về ẩm thực, còn với văn hóa uống, người Iran cũng uống trà và gọi trà là chai. Mọi người thường uống trà đen với cách thưởng thức ẩm thực đặc biệt: ngậm một cục đường trong miệng sau đó nhấp một ngụm trà. Tùy vùng miền mà họ uống trà vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Riêng ở tỉnh Khorasan, người dân uống trà trước và sau bữa trưa. Ngoài giải khát, các quán trà đồng thời là nơi tụ tập của nam giới để hút ống điếu và chơi cờ.
Người dân ít khi uống cà phê song gần đây đã uống nhiều hơn. Ở Iran gần đây đã có quán cà phê phục vụ kiểu Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, các loại cà phê tan và cà phê Cappucino…
Tại Iran, do đa số dân chúng theo đạo Hồi nên có luật cấm uống rượu. Sản xuất cũng như lưu hành rượu đều bị cấm. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng thậm chí là nhục hình.
Migola Travel Sưu tầm & Tổng hợp
Bạn muốn khám phá nền ẩm thực của xứ sở Ba Tư bí ẩn này?
Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây: Tour Con Đường Tơ Lụa – Huyền Thoại Ba Tư
Hotline tư vấn: 0366 55 66 77
Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh