Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè phương ngữ
Ai đó đã thử
Đến đảo Bình Ba
Sẽ thấy lạ sao
Phương ngôn độc đáo
Sò Điệp đảo gọi sò bay
Bào ngư – Chín Lỗ phương ngôn nơi này
Đường Đột đích thực Hải Sâm.
Ốc Đụn - Ốc Nón đổi thành tên kêu.
Cá Ngừ thì gọi cá Bông.
Cá Dzò đảo gọi, Huế kêu cá Kình.
Cá Thu thành “Ảo” đặt tên
Vú Nàng Côn Đảo, Muỗng Đường nơi đây.
(springflowersvn)
Đảo Bình Ba không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp mỹ miều, trữ tình, bình yên và dung dị mà còn hấp dẫn bởi nguồn ẩm thực đảo Bình Ba - “Ẩm thực sạch” với các loài hải sản trữ lượng lớn đa dạng và quý hiểm như: Tôm Hùm, ốc Đụn, Sao Sao (Vú Nàng), cầu gai, ốc Tai Bồ,… tạo nên những món ăn hấp dẫn, đầy dinh dưỡng.
Đầu tiên, phải nói đến tôm Hùm – Sản vật tạo nên thương hiệu thôn đảo Bình Ba – Đảo Tôm Hùm.
Tại Bình Ba có 03 loại tôm Hùm nổi tiếng đó là giống tôm đỏ, tôm xanh, tôm bông. Vì các loài này nuôi nhanh lớn lại có giá trị xuất khẩu cao, đem đến nguồn lợi chính cho người dân nơi đây.
Tôm Hùm thường chế biến rất đơn giản như hấp, nướng hay nấu cháo …cũng đủ làm say lòng thực khách với hương vị vừa béo ngọt vừa thơm phức. Đối với những tín đồ ẩm thực thì chích lấy huyết tôm hùm đem pha với rượu tạo nên mùi vị rất đặc biệt và hấp dẫn. Sau đó, đem con tôm hùm đã lấy huyết nấu lẩu hoặc sốt me thì tuyệt cú mèo!
Đến Binh Ba, du khách khó lòng cưỡng lại món cháo hành thơm phức từ Nhím Biển, còn gọi là Cầu Gai, hay con Nhum.
Ở Việt Nam, Cầu Gai không còn gì lạ với du khách. Là một sinh vật nhuyễn thể, có tên tiếng Anh là Sea-Urchin. Người Việt gọi là Cầu Gai vì có dạng hình cầu và nhiều gai tua tủa xung quanh. Gọi là Nhím biển vì khi gặp nguy hiểm Cầu Gai sẽ tự dựng gai chống trả và sau đó bấm chặt vào đá khó tách ra được nhưng loài nhím trên cạn nên gọi là Nhím biển.
Cầu Gai rất dễ chế biến, dùng để ăn sống với mùi tạt, tái chanh, đem nướng với bơ hoặc mỡ hành. Đặc biệt là món cháo Cầu Gai là sự kết hợp hoàn hảo giữa các sắc màu mùi vị của các thực phẩm tạo nên một món ăn bổ dưỡng và là bài thuốc bồi bổ sức khỏe hữu hiệu. Cầu Gai còn được ví là nhâm sâm của biển.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng vỏ Cầu Gai cũng có công năng làm đồ mỹ nghệ. Đặc biệt là dùng làm vật trang trí cho các bóng đèn để bàn, đèn ngủ... tạo nên các ánh sáng đầy sắc màu rất đẹp mắt. (Ở nhiều nước châu Âu, thường dùng Cầu Gai làm đồ trang tri, không dùng để chế biến các món ăn).
Ngoài tôm Hùm, Cầu Gai. Đảo Bình Ba còn có một món ăn đầy hình ảnh “gợi cảm”, mà tôi không thể không kể tên sau đây. Đó là ốc “Vú Nàng”.
Tôi đã được thưởng thức “Vú Nàng” vào tháng sáu. Ngồi ở bãi Nồm lộng gió, thưởng thức từng con ốc vàng thơm phức được nướng chín với mỡ hành, chấm với muối tiêu chanh Bình Ba… Than ôi. Tuyệt hảo! Thịt ốc không quá béo như thịt, không dai như nghêu, sò, không nhỏ dáng như hàu. Vừa ngọt, vừa giòn và có mùi thơm rất đặc trưng.
“Vú Nàng” ngày xưa chỉ có các bậc Đế vương mới được thưởng thức. Ngày nay ngư dân Bình Ba đem làm quà chiêu đãi du khách khi đến tham quan thôn đảo. Vì loại ốc này có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào tháng sáu. Khác với các loài cua ghẹ, khi sáng trăng thì trú ẩn trong hang, thì lúc này là dịp để bắt “Vú Nàng”, vì khi trăng sáng ốc đi kiếm ăn theo từng nhóm rất dày. Đến khi tối trời thì lặn sâu xuống các hốc đá.
Nói về cá thì có lẽ gây ấn tượng nhất đó là món cá Dzò (Kình) đem nướng lửa than, cuốn bánh tráng với một ít rau tươi và xoài sống, chấm với nước mắm chanh thì ắt hẳn sẽ làm ta “quên lối về”.
Ngoài tôm Hùm trứ danh, Bình Ba còn nổi tiếng về cua Huỳnh Đế. Một loài giáp xác có hình dáng rất dị lập: phần đầu có hình hơi bầu tròn có rất nhiều râu, chỉ có 02 càng và 04 que có các gai nhỏ li ti, dáng dấp như con ếch, có màu đỏ hồng rất đẹp mắt. Có tên khoa học là R.ranina. Tiếng Anh là Frog Crab hay spanner crab. Tên tiếng Việt thì theo tương truyền, xưa kia ngư dân gọi là cua Hoàng đế, sau sợ phạm húy tên vua nên đọc trại là Huỳnh Đế. Một trong những sản vật để tiến vua khi xưa.
Cua Huỳnh Đế chắc thịt, gạch thơm ngọt và béo ngậy, hơn hẳn các loài cua ghẹ khác. Nên khi chế biến không nên quá cầu kỳ. Chỉ cần đem hấp, rang muối hay lấy thịt xào sơ với gia vị, cần một ít hành lá, nước mắm ngon và gạo thơm làm ra một món cháo cua với hương mùi gạo mới, vị mằn mặn của nước mắm, một ít cay thơm nồng của tiêu hòa cùng mùi thịt thơm dai, ngọt ngào của cua…Đủ đánh thức các giác quan thực khách.
Đến Bình Ba thôn dã – Thưởng thức món ăn vua. Quả thật không sai!
Lisa Hiếu