Gỏi lá
Xuất phát từ vùng rừng núi cao nguyên, với sự quy tụ của 40 loại lá rừng khác nhau, món ăn này cực kỳ hấp dẫn và là nét đặc trưng của vùng núi rừng Tây Nguyên. Khi ăn món này, bạn phải kẹp đủ hết các loại lá cuốn với thịt, tôm, da heo và các loại gia vị như tiêu, muối hạt, ớt xanh... và chấm với loại nước chấm đặc biệt được làm từ hèm rượu khử qua dầu ăn cùng trứng vịt. Thành phần các loại lá này bao gồm những loại lá quen thuộc, dễ tìm và những loại khác khó tìm hơn phải lên tận rừng, núi tìm mới có. Ăn món này bạn sẽ có được cảm nhận cùng một lúc nhiều hương vị khác nhau cùng hoà quyện của các loại lá cùng nhân tôm, thịt, gia vị và nước chấm vừa chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua vừa bùi béo ngậy.
Sau mỗi lần ăn có thể nhấm nháp thêm với một ngụm rượu rễ cây đinh lăng, cuối cùng là một chén cháo cá lóc nóng hổi lót bụng chắc hẳn sẽ làm bạn hài lòng. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất hữu ích bởi hầu hết các loại lá này đều là những lá thuốc nam có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh rất tốt cho sức khoẻ.
Lẩu lá rừng
Đây là món ăn tương tự với gỏi lá, món Lẩu lá rừng cũng được chế biến từ nhiều loại lá rừng khác nhau nhưng với số lượng ít hơn, khoảng 10 lá. Cách chế biến cũng khác so với gỏi lá, nếu món gỏi lá bạn được cảm nhận hương vị tươi nguyên của lá rừng khi ăn sống thì món lẩu lá bạn sẽ được cảm nhận vị ngọt và mùi hương đặc trưng của các loại lá cùng nguyên liệu trong nồi nước lẩu.
Mỗi loại lá được dùng phải được lựa chọn rất nghiêm ngặt, chủ yếu sao cho không có độc tố và không phản ứng với nhau khi nấu chung để đảm bảo sức khoẻ cho người thưởng thức. Hơn nữa những loại lá này đều có chứa chất dinh dưỡng rất tốt, vì được tham khảo kinh nghiệm đúc kết từ ngàn đời của đồng bào dân tộc Ê đê. Những loại lá được nấu lên cùng với tôm khô hoặc thịt các loại tạo nên nước lẩu rất ngọt, bạn sẽ có cảm nhận tuyệt vời về món ăn này.
Gà nướng sa lửa
Với ấn tượng ban đầu bởi sự hấp dẫn khi nhìn vào món ăn này, Gà nướng sa lửa trở thành món ăn quen thuộc của người dân phố núi cũng như những du khách khi có dịp đến đây. Món đặc sản của TP Buôn Ma Thuột này có nguyên liệu chính là gà nuôi thả vườn để đảm bảo độ dai ngon, khi nướng, gà được nẹp trong kẹp tre và nướng trên bếp than sao cho vàng ươm bên ngoài nhưng vẫn đảm bảo chín bên trong; món ăn này chủ yếu được chấm với muối ớt hoặc muối xả, ăn kèm với cơm lam.
Tuy có sự tương đồng với món gà nướng Bản Đôn nổi tiếng nhưng Gà nướng sa lửa vẫn được yêu thích bởi nhiều du khách khi đến đây bởi hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt, mặn cùng sự giòn dai của thịt gà quyện vào, đảm bảo bạn sẽ có được một bữa ăn chất lượng và ngon lành. Đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món này khi đến Đăk Lăk nhé.
Thịt nai
Có mặt trong thực đơn của hầu hết các nhà hàng ở TP Buôn Mê Thuột, món Thịt nai là đặc sản chỉ có ở vùng rừng núi Tây Nguyên. Đây là một trong những món ăn hấp dẫn du khách nhất bởi hương vị, sự thơm ngon của thịt nai được chế biến thành nhiều món như: nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử, nai khô tạo thành món nai 7 món cực kỳ hấp dẫn. Thịt nai khi ăn có phần hơi tương tự với thịt bò nhưng dĩ nhiên là thịt nai ngon hơn do ít gân, mềm hơn và mỡ nai có màu trắng ngà.
Thưởng thức món đặc sản này ở tại TP Buôn Mê Thuột bạn mới có thể cảm nhận được hương vị chính gốc của nó và trong không gian của núi rừng nơi đây, việc thưởng thức thịt nai này sẽ trở nên ý nghĩa hơn khiến bạn có được những trải nghiệm thú vị.
Rượu cây
Ấn tượng bởi cái tên khá đặc biệt, rượu cây là thức uống rất đặc trưng của nhiều dân tộc thiểu số trên khu vực Tây Nguyên. Đây là thứ rượu cay cay, có vị thơm đặc trưng, sở dĩ có tên gọi rượu cây là vì rượu này được uống dưới gốc cây trong những lần lang thang vào rừng của đồng bào dân tộc sau mùa gặt. Theo thói quen và phong tục của nhiều dân tộc Bana, Xơ đăng, Giá Rai... cứ đến tháng Ning Nong (tháng sau khi kết thúc mùa rẫy) là họ lại mang theo nỏ và một số đồ dùng thiết yếu lang thang vào rừng sâu. Họ tập hợp lại thành những nhóm nhỏ và vào rừng cùng hưởng thụ thú vui uống rượu cây. Họ thường trải lá cây xuống đất, nhóm một đống lửa nhỏ để nướng những con vật mới săn, chấm với muối ớt xanh cùng ly rượu đặc biệt này giữa cái lạnh của chốn rừng núi hoang vu, thật là một trải nghiệm tuyệt vời.
Tuy rượu cây không phải là một loại rượu đặc sắc có giá trị thương phẩm nhưng nó lại là thức uống độc đáo thể hiện cho văn hoá các đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Nếu có cơ hội thưởng thức được loại rượu này bạn sẽ có cảm nhận rõ hơn về nét đẹp và những điều thú vị trong văn hoá truyền thống của người dân vùng này.
(Migola Travel)