Về thăm bãi Chướng, hòn Cò
Bãi Nồm lộng gió, hòn Rùa nỉ non
Bồ Đề thức tỉnh lòng nhân
Hàng dương vũ khúc đón chào bình minh.
(springflowers) `
Lịch Sử Đảo Bình Ba
Thật không quá lời khi mượn ý thơ trên để nói về vẻ đẹp của biển đảo Bình Ba. Một hòn đảo với diện tích chỉ hơn 03 km2. Đã làm mê hoặc và say đắm lòng lữ khách, khi được dịp đặt chân đến vùng đảo hoang sơ này bởi vẻ đẹp trinh nguyên thanh khiết của đại dương xanh thẳm, của đồi núi ngút ngàn và những núi đá muôn dáng hình cùng được sưởi ấm bởi tấm chân tình, thật thà, chân thất và đồn hậu của người dân xứ đảo.
Không biết tên gọi Bình Ba có từ khi nào, nhưng nếu căn cứ vào tài liệu của nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phạm Côn Sơn, theo tiếng Hán “Bình Ba” có nghĩa là “chắn sóng” (ngăn chặn những cơn sóng lớn). Và cũng hợp ý với lý giải của ông Châu Văn Tài (73 tuổi), là một giáo viên đầy tâm huyết đã về hưu, hậu duệ của những tiền hiền xứ đảo, giải thích rằng:
Ngày xưa, khi những thương thuyền của các bậc tiền hiền đến hòn đảo này là người Bình Định. Họ đã tìm ra nơi trú ẩn an toàn tại đảo này trong lúc tránh cơn “sóng gió ba đào”. Thấy nơi đây sóng nước bình yên, không khí trong lành hợp cho cư ngụ. Sau đó, họ quay về hương quán, đón gia đình đến đây lập nghiệp. Tên gọi Bình Ba nhằm ngụ ý nhớ về nguyên quán Bình Định và nguyên căn họ đến đây nơi đây.
Theo các tư liệu của các bộ sử Việt Nam, vào năm 1771 anh em nhà Tây Sơn đã dành quyền kiểm soát vùng đất này. Sau đó, cử tướng Trần Quang Diệu trấn giữ, ông đã nhận định và hạ bút ca tụng “Cam Ranh hải thế thâm”.
Tháng 7 năm 1793, Nguyễn Ánh thân chinh thống lĩnh thủy, bộ binh từ Gia Định kéo ra Nha Trang. Từ Nha Trang tấn công lên Diên Khánh. Giành quyền kiểm soát. Sau đó, Nguyễn Ánh sai người xây thành Diên Khánh, lập xưởng đóng thuyền. 1774 -1775, Trần Quang Diệu có hai lần đem quân vào đánh chiếm lại, nhưng đều không thành.
Bình Ba ngay này vẫn còn giữ nguyên vị trí hiểm trọng, luôn được quan tâm hàng đầu khi đưa vào khai thác và phát triển nhân sinh quan.
Ngoài vai trò quan trọng về quân sự, phong cảnh nên thơ, xinh đẹp với các bãi cát trẳng trải dài lộng gió như bãi Nồm; hay “nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh” của bãi Chướng; hòn Cò; hòn Rùa, bãi Bồ Đề… Đảo Bình Ba còn nổi tiếng với các sản vật tiến vua, mà trong ca dao Việt Nam đã từng ca tụng:
Yến sào hòn Nội
Vịt lội Ninh Hòa
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá Tràu Võ Cạnh
Sò huyết thủy triều…
Đời anh cay đắng đã nhiều
Về đây trưa ngọt, ngon chiều cùng em.
(Ca dao)
Tôm Hùm Bình Ba:
Đảo Bình Ba còn biết đến với tên gọi là Đảo Tôm Hùm. Bởi nếu ai đã từng ăn tôm hùm Bình Ba thì rất khó lòng cho lời khen tôm hùm nơi khác. Lợi thế từ nguồn nước biển có độ mặn cao, kín gió và sạch, nên thịt tôm hùm nơi đây rất thơm, dai và béo ngọt.
Đặc biệt tôm hùm bông đem nướng hoặc nấu cháo với gạo thơm thì mùi vị vô cùng hấp dẫn, tuyệt cú mèo! Huyết tôm hùm có màu trắng, đặc sệt như đông sương hòa rượu tạo màu hơi tím tím, mùi vị ngọt ngọt rất đặc biệt. Tuy nhiên những con tôm hùm khi lấy huyết thì không nên đem nướng vì thịt không còn ngọt và dai, nên đem nấu chua, xốt me hay làm lẩu ăn cũng rất ngon và lạ miệng.
Sau khi sử dụng phần thịt, thì phần vỏ tôm hùm cũng rất hữu dụng, dùng để làm vật trang trí nhà cửa, góp phần tạo nên không gian sang trọng và đẳng cấp. Vì tôm hùm là biểu tượng của sự viên mãn và hạnh phúc.
Tôm Hùm có tên khoa học là Nephropidae, tiếng Anh là Lobster. Theo tiếng Việt, thì có lẽ theo tập quán “thấy mặt đặt tên”, dựa vào đặc tính sinh học của giống tôm to lớn này là động vật ăn tạp, săn mồi giỏi hơn các giống tôm khác; ăn như hùm như hạm. Thức ăn chủ yếu là các loài động vật như cá, tôm, cua ghẹ, cầu gai, giáp xác nhỏ, nhyễn thể …
Hơn 90% hộ dân nơi đây sống bằng nghề nuôi tôm hùm. Có thể nói là một nghề truyền thống ngày nay. Theo anh Võ Thành Quang: Nuôi tôm hùm là một nghề rất vất vả nhưng cũng nhiều thú vị. Đặc biệt là vào lúc tôm lột vỏ để trưởng thành thì người nuôi tôm trở thành “bà mụ đỡ đẻ”. Phải để ý cho thật kỹ, quan sát cẩn thận để phát hiện ra những con tôm thiếu “vitamin”, không tự bóc được lớp vỏ cũ ra khỏi thân, tôm sẽ yếu sức và “thiệt mạng”. Vì lúc này, thân thể chúng rất yếu ớt, phải khoảng hai tiếng sau chúng mới cứng cáp trở lại.
Con giống chủ yếu lấy từ Ninh Thuận, giá mỗi con từ 200.000 –300.000/con. Mỗi lồng tôm có thể thả nuôi từ 80 – 100 con/lồng. Mỗi lần xuất lồng già từ 2.000.000 – 2.500.000 đồng/kg đối với tôm hùm bông. Tôm xanh và tôm đỏ thì giao động từ 1.000.000 đến 1.200.000đồng/kg. Theo anh Nguyễn Văn Vinh thì Thời gian nuôi kéo dài khoảng 16 đến 18 tháng đối với giống tôm nuôi. Còn giống từ tự nhiên thì thời gian nuôi ngắn hơn khoảng 08 tháng là có thể bán được.
Nghề nuôi tôm hùm tại đảo Bình Ba, đem đến lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên cũng không ít rủi ro. Đặc biệt là con giống, nguồn vốn, bệnh tật, đầu ra…Tình trạng đầu tư thiếu bền vững. Con giống ngày càng giảm sản lượng, chuẩn yếu là đánh bắt từ tự nhiên nên không kiểm soát được dịch bệnh. Gía cả tự phát không ổn định. Kỹ thuật nuôi trồng ở đây chủ yếu là từ kinh nghiệm, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên sản lượng còn nhiều hạn chế, rủi ro cao. Gây thiệt hạn đến các loại thủy hải sản khác. Vì nguồn thức ăn cho tôm hùm là các loài hải sản tươi sống, dẫn đến tình trạng “dã cào”, thiếu bảo tồn.
Cần quy hoạch có đầu tư, hạn chế tình trạng tự phát, lạm dụng. Kiểm soát chặt chẽ con giống và đầu ra. Chú ý đến sản lượng cũng như chất lượng sản vật, để Bình Ba mãi trứ danh Đảo Tôm Hùm.
Lisa Hiếu- P. TGĐ Cty TNHH FIDEN