Vào đời Đường, đạo Phật phát triển cực thịnh và trở thành quốc đạo tại Trung Quốc, bên cạnh đó là việc quan hệ thương mại cũng như giao lưu văn hoá không ngừng mở rộng nên nghệ thuật múa thời Đường lúc bấy giờ ngoài việc kế thừa những kỹ thuật có từ các triều đại trước như Chu, Tần, Hán... còn được ảnh hưởng từ một số điệu múa truyền thống của Ấn Độ, La Mã, Ba Tư, Triều Tiên, Campuchia, Miến Điện, Việt Nam và khu vực Trung Á. Từ đó sinh ra một môn nghệ thuật mới với sự kết hợp hài hòa của các môn nghệ thuật khác bao gồm: hội hoạ, trang trí sân khấu, hoá trang, thơ ca, âm nhạc cổ điển và hát tuồng.
Các hoàng đế đời Đường nói chung và đặc biệt là Đường Huyền Tông (hay còn gọi là Đường Minh Hoàng - Lý Long Cơ với Nghê Thường vũ y khúc) đều có những đóng góp trong việc phát triển nghệ thuật múa và âm nhạc Trung Quốc.
Một câu chuyện về nguồn gốc của những điệu múa này rằng: Vào một đêm Trung thu trăng sáng, Đường Minh Hoàng mơ ước được đặt chân lên cung Hằng. Vị đạo sĩ tên là La Công Viễn đã dùng dải lụa trắng hóa thành một chiếc cầu giúp nhà vua đến với nguyệt điện. Vừa đến nơi, trong ánh sáng rực rỡ, nhà và nhìn thấy những tiên nữ xinh đẹp trong xiêm y lộng lẫy, tay cầm lụa trắng vừa múa vừa hát (gọi là khúc Nghê Thường vũ y). Những điệu múa và giọng hát của các tiên nữa làm cho Đường Minh Hoàng ngây ngất quên cả trời gần sáng đến nỗi La Công Viễn phải nhắc nhở nhiều lần mới chịu dời gót.
Sau khi trở về, Đường Minh Hoàng cố ghi nhớ lại khúc Nghê Thường vũ y ấy và tập cho cung nữ trong triều múa hát. Rồi cứ thế, cứ đến đêm rằm tháng Tám, các vũ nữ trong cung lại trình diễn khúc Nghê Thường cho Đường Minh hoàng và Dương Quý Phi cùng thưởng thức.
Lại có sách ghi: Đường Minh Hoàng sau khi lên nguyệt điện và xem các tiên nữ múa hát điệu múa Tây Thiên điệu khúc khi về trần gian chỉ còn nhớ mang máng. Cùng lúc đó có tiết độ sứ là Dương Kính Thuật từ Tây Lương về, đem vũ khúc Bà-la-môn trình diễn cho vua xem, vua thấy điệu múa có nhiều nét tương đồng với Tây Thiên điệu khúc nên liền chỉnh đốn cả hai điệu hát múa lại và đặt tên là Nghê Thường vũ y khúc. Dần dần, các quan cũng mang điệu múa và khúc hát đó về các phiên trấn xa xôi nơi họ cai trị. Từ đó, tục ngắm trăng xem ca múa vào đêm rằm Trung Thu trở thành thú vui trong nhân gian.
Đó là 2 trong số nhiều truyền thuyết về điệu múa Nghê Thường vũ y khúc. Nhưng trên thực tế, dựa vào những ghi chép của lịch sử thì Ấn Độ là nguồn gốc của những điệu múa hát này, huyện Đôn Hoàng (thuộc đất Tây Lương) là nơi đầu tiên tiếp nhận nó nhưng Tây An mới là nơi đưa những điệu múa này lên một tầm cao mới và dần dần biến đổi chúng để phù hợp với truyền thống và văn hóa Trung Quốc. Nghê Thường vũ y khúc được xem là viên ngọc quý trong kho tàng vũ điệu Trung Quốc.
Nghệ thuật vũ nhạc đời Đường là kết quả của sự kế thừa và phát huy văn hoá truyền thống, làm nổi bật kỹ xảo múa dân gian cổ điển Trung quốc và phối hợp nhịp nhàng với vũ điệu và âm nhạc của nhiều quốc gia khác (đặc biệt là Ấn Độ và Ba Tư). Chính vì sự đa dạng về phong cách, đề tài..., múa là một trong những môn nghệ thuật được đông đảo các tầng lớp dân chúng đời Đường yêu thích và đón nhận. Nó còn góp phần gỡ bỏ ranh giới trong sinh hoạt văn hoá tinh thần giữa các dân tộc Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài.
Migola Travel Sưu tầm & Tổng hợp
Bạn muốn tận mắt chiêm ngưỡng những điệu múa hư ảo nay?
Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây: Con Đường Tơ Lụa – Thảo Nguyên Tân Cương
Hotline tư vấn: 0366 55 66 77
Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh