Thiên đường thật gần gũi với ánh sáng đèn lồng, với tiếng đàn lời ca, với những mái nhà cổ trầm ngâm giao hòa mưa nắng...
Tôi không rõ trên thế giới, có thành phố nào trong đêm lộng lẫy với nhiều thanh âm và sắc màu như Hội An không, chỉ biết đi khắp Việt Nam, bức tranh sinh hoạt buổi đêm đẹp nhất, bình yên nhất là từ xứ sở của phố Hội sông Hoài này - "đẹp nao lòng" như trong những câu hát thắm tình của nhạc sĩ Phan Văn Bích:
"Có gì mà Hội An nghiêng đến thế? Cao cao đèn lồng mơ màng đêm... Sông nghiêng quá, mái chèo lô xô sóng Tóc thề em mắt sóng sánh cuối trời Ánh đèn đó, đèn lồng đêm hội... Phố cổ Hội An... Em đẹp nao lòng’ (Đêm Hội An - Phan Văn Bích)
Ánh sáng tràn ngập không gian. Đèn lồng trải khắp các ngóc ngách phố phường, giăng tràn trên sông theo những ghe thuyền dập dìu san sát bên nhau, lặng thầm gửi trao đôi câu tình tự. Ánh sáng từ đèn lồng, và từ lòng người quyện hòa, soi mỗi dấu chân qua từng con phố... Có trăng đêm chơi vơi, có gió lồng lộng những vòm trời, có hương phù sa bờ bãi lẫn hương cây trái từ phía sông Hoài, từ Cù Lao Chàm đưa tới. Và lảnh lót tiếng đàn lời ca nồng nàn, thay lời trái tim muốn nói khúc thương yêu: Những bài chòi ngân nga, những điệu đàn vần thơ từ các Hội quán; hay những giọt guitar mộc buông trên sóng nước của mỗi đoàn khách du lịch bềnh bồng trên dăm chiếc thuyền neo san sát bờ sông...
Sông Hoài trở mình, chao nghiêng, thầm thì dệt tình trong đêm, kể về mưa nắng đời người nơi phố Hội, kể về những ân tình của biết bao tâm hồn đã tìm đến và lưu luyến khi xa...
Kể về những đợi chờ ngóng trông gửi trong ánh sắc mỗi chiếc đèn lồng, về những cầu mong yên bình, yêu thương cho người Hội An, và cả những ai đã - đang - sẽ đến nương mình vào dòng chảy của nhịp đời lắng sâu, của hồn người chân chất, tình người ấm áp nơi đây...
Bình yên là thế. Thiên đường chẳng xa...
Thiên đường thật gần gũi với ánh sáng đèn lồng, với tiếng đàn lời ca, với những mái nhà cổ trầm ngâm giao hòa mưa nắng; với những nét chạm trổ tinh vi chứa đựng tình yêu và khát vọng trên từng thớ gỗ - mùa qua mùa thắm nồng ký ức buồn vui. Ẩn chứa trong đó là hàng trăm, hàng nghìn những cuộc đời - đã sinh ra và lớn lên, đã bảo tồn và giữ gìn trước những phai tàn, cám dỗ của thời gian...
Riêng với tôi, thiên đường còn gần gụi hơn nữa khi dừng chân ngắm từng gương mặt người bán đèn thả hoa đăng dọc sông Hoài Phố.
Những bà cụ tóc bạc da mồi, khuôn mặt nhàu úa vết chân chim, nhưng nụ cười móm mém, ánh mắt hiền từ vẫn lấp lánh vẻ đẹp của bình yên, thêm chút ánh nến đủ màu hắt lên, cứ mơ màng đẹp như trong một câu truyện cổ. Xế sang bên cạnh, vẫn là đèn thả hoa đăng, nhưng là gương mặt của những cô bé, cậu bé tuổi lên bốn lên năm lí lắc, đẹp một vẻ đẹp hồn nhiên, thánh thiện và... rất Việt Nam.
Bức tranh ấy, một bên hình ảnh của những vạt nắng xế chiều cuối ngày sắp lụi tàn, một bên là những tinh khôi của ánh bình minh bắt đầu ngày mới - cùng hắt ánh sáng và ấm áp vào lòng người, để thấy thời gian như đang ngừng lại, chậm lại nơi đây, để biết cuộc đời hóa ra không hề có những khoảng cách cho niềm tin và những yêu thương.
Dù ở vị trí nào, góc nhìn nào thì mỗi tâm hồn vẫn luôn đẹp một vẻ đẹp riêng cho cuộc đời chiêm ngưỡng. Có chăng, tự con người ta thích đặt ra những rào cản, những ranh giới và khoảng cách cho riêng mình, từ lòng mình đến với lòng người, ra với cuộc đời mà thôi...
Tôi đã đi qua rất nhiều những đêm buồn vui của cuộc đời một gã trai tuổi 30 mà gót chân phiêu du tựa những cánh chim thiên di, bay qua khắp các vòm trời, nhưng chỉ duy nhất đêm về trên phố Hội mang lại cho tôi cảm giác háo hức mong đợi của mê say... Muốn khám phá mãi đến tận cùng, muốn hòa mình vào với trăm nghìn ánh đèn lồng đổ bóng bên sông kia, muốn cảm nhiều hơn, sâu hơn tâm hồn người dân phố Hội sau mỗi ánh mắt, nụ cười, điệu hát, vần thơ...
Và như thế, tôi thấy lòng mình bình yên, thôi vương vất những muộn phiền của áo cơm níu kéo, của những đố kị, hờn ghen nơi lòng người chật chội chốn Hà thành phồn hoa mà tôi đang sống, trên cả những bước đường tôi đã - đang - và sẽ đi qua!
Lương Đình Khoa