Kinh nghiệm hành hương núi Kailash – Phần 1

Nhiều người thường liên hệ với Migola Travel hỏi về cách đi núi Kailash, hành hương núi Kailash có thật sự khó như người ta vẫn nghĩ hay không? có nguy hiểm lắm không? và cần phải chuẩn bị những gì? Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp các bạn đi núi Kailash dễ dàng hơn và khiến cho chuyến đi có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Nói về sự chuẩn bị, nhiều bạn hỏi tôi rằng phải chăng phải tập thể dục, tập yoga, tập thiền để đi Kailash? Đúng vậy, tất cả những điều này đều có ích cho chuyến đi của bạn. Tuy nhiên, hơn hết bạn cần phải có một sự chuẩn bị đầy đủ về dụng cụ cũng như tinh thần.

Núi thiêng Kailash, ngọn núi được thế giới mệnh danh là “vũ trụ tâm linh”

Dụng cụ cho chuyến hành hương Kailash:

Về dụng cụ, tôi chỉ trình bày ở đây những vật dụng tối thiểu, cần thiết trong lúc thực hiện ba ngày Kora. Các vật dụng khác (có thể là sử dụng khi đến trại, về đêm) sẽ được trình bày ở một mục khác.

Trước tiên đi Kailash cần phải có một đôi giày thật tốt, có tính năng chống trượt và chống thấm. Tôi thường chọn loại giày The North Face có cổ cao tương đối cho chuyến đi Kailash của mình. Loại giày này rất tiện dụng khi di chuyển trên những địa hình nhiều tuyết và ẩm ướt. Hầu hết trong chuyến đi bạn sẽ đi trên những địa hình sỏi, cỏ, tuyết, băng nên tính năng chống trượt rất cần thiết.

Kế tiếp giày là gậy leo núi. Bạn có thể đi hai gậy hoặc một gậy và nên tốt nhất bạn nên mua gậy tại Lhasa vì giá thành tương đối rẻ và bạn có thể để lại sau chuyến đi của mình cho nhẹ hành lý. Kính râm cũng rất cần thiết, sẽ giúp cho bạn chống lại tia tử ngoại, đặc biệt ở vùng núi cao như Tây Tạng và Kailash thì tia tử ngoại rất cao. Đây là một dụng cụ giúp bạn bảo vệ đôi mắt của mình.

Quần áo chuẩn bị đi Kailash nên là loại quần áo giữ ấm và có chức năng chống thấm và càng nhẹ càng tốt. Nếu ban đi Kora bằng ngưạ thì nên chọn đồ giữ ấm tốt, và có thể dày một chút vì hầu như cả hành trình bạn chỉ ngồi trên lưng ngựa nên sẽ có cảm giác lạnh, đặt biệt là ở phần mặt và hai tay.

Một đôi giày leo núi tốt là cần thiết cho hành trình Kora núi Kailash của bạn

Nếu bạn quyết định đi Kora quanh núi Kailash bằng cách đi bộ thì tốt nhất nên lựa quần áo ấm vừa phải và gọn nhẹ. Khi đi Kora bằng cách đi bộ, nhiều người sẽ cảm thấy tương đối lạnh lúc mới bắt đầu nhưng chỉ sau 15 phút thì cái lạnh đã chuyển sang trạng thái nóng. Nếu thời tiết nắng thì rất nóng, nhiều bạn đầu sợ lạnh thì mặc rất nhiều lớp áo tới khi trên đường đi thì phải cới dần các loại áo trên người và kết quả là phải vác thêm một lượng quần áo nhiều như vậy ở độ cao 5000m thì rất vất vả. Tôi từng ấn tượng với một chị đi cùng đoàn năm 2016, chi đi bộ với một bộ đồ rất gọn nhẹ nhưng lại có khả năng giữ ấm rất tốt. Bên trong chị có dán thêm miếng giữ nóng giúp giữ nhiệt trong suốt chuyến đi kora cũng như vào đêm tối khi ngủ.

Các phụ kiện khác: mũ len giữ ấm cho đầu và đôi tai, một đôi găng tay, khăn quàng cổ, khẩu trang, vài đôi vớ… Trong ba ngày đi quanh núi thì hầu như bộ phận lạnh nhất của cơ thể bạn là cái đầu, hai tai, phần trước mặt và đôi tay. Gió ở Kailash có thể thốc vào mặt làm cho mũi rất lạnh. Găng tay cần lưu ý chống thấm và có thể giúp bạn cầm nắm được đồ (tức là có độ bám) vì đôi lúc bạn phải sử dụng gậy và các dụng cụ. Một cái khẩu trang cũng cần thiết để che mặt khi thời tiết rất lạnh nhưng nhiều người không có thói quen sử dụng vì sợ khó thở . Khăn choàng cổ tất nhiên là thứ không thể thiếu khi bạn ở ngoài trời lạnh.

Ngoài ra khăn quàng cổ, áo ấm, mũ len, găng tay, kính râm...cũng không thể thiếu

Cuối cùng là kem dưỡng ấm, chống nắng, nước uống, thức ăn (lương khô, socola). Những thứ này bạn phải thường xuyên sử dụng trong chuyến đi để đảm bảo sức khoẻ và giữ gìn vẻ đẹp của bạn.

Khi đi Kailash, đi Kora thì bạn sẽ mang rất ít đồ trên người vì các vật dụng khác đã có đội quân trâu Yak hộ tống hành lý của bạn tới điểm đến. Đối với những hành lý không cần thiết cho vòng Kora thì bạn gửi lại xe với tài xế. Theo tôi thì chỉ nên mang một túi nhỏ có ít nước uống, socolat là đủ. Kinh nghiệm nhiều lần đi cho thấy khi mang balo trên đường đi Kailash mà quá nặng thì bạn sẽ rất mau mệt. Có nhiều bạn lo sợ mang rất nhiều nước uống nhiều thức ăn cũng như rất nhiều bình oxy. Theo cá nhân tôi thì những thứ này nên hạn chế trừ trường hợp bạn đi ngựa và có người có thể mang cho bạn nhiều thứ nhưng nếu đi một mình thì hết sức gọn nhẹ.

Về bình Oxy, trong các chuyến đi của Migola thì luôn luôn có 1 bình Oxy lớn ở trên xe giúp cho bạn đi 1 đoạn đường từ Lhasa tới chân núi Kailash là Darchen vì ở nơi này bạn cần thích ứng độ cao và một số trường hợp cần bình oxy để cấp cứu. Nhưng khi tới Kailash, thì 1 người chỉ nên mang 1 bình oxy trên người thậm chí không cần mang nếu bạn thích ứng với độ cao bởi vì nó cũng khá cồng kềnh. Bình oxy chỉ sử dụng trong một số trường hợp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể, nếu bạn sử dụng bình oxy thì mỗi lần xịt chỉ có thể kéo dài từ 15 tới 20 phút là tối đa cho nên bình oxy không thể nào giúp cho bạn đi hết 1 đoạn đường dài ba ngày.

Về thuê ngựa, khi đi vòng Kora quanh Kailsah thì người dân du mục tại đây có dịch vụ cho thuê ngựa, giá thuê thay đổi từ 2000 Nhân Dân Tệ (NTD) tới 3000 NDT tuỳ theo mùa và du khách phải bóc thăm để chọn ngựa. Điều đặc biệt là một con ngựa chỉ phục vụ cho một người và phải xuyên suốt 3 ngày (bạn vẫn có thể bắt đầu thuê ngựa vào ngày thứ 2 và cho 2 ngày còn lại nhưng giá cả sẽ mắc hơn và khó điều ngựa trong một số trường hợp). Không có chuyện bạn đi ngựa và bạn đồng hành của bạn đi bộ và muốn leo lên ngựa thì họ không chấp nhận vì đó là quy định của người du mục. Do đó, bạn phải quyết định thuê ngay từ đầu về việc có thuê ngựa hay không. Khi đã quyết định thuê, con ngựa sẽ thuộc về bạn và người dắt ngựa sẽ luôn phục vụ bạn. Thêm nữa, ngựa phục vụ bạn chứ không phục vụ hành lý của bạn nhé, tức là bạn có một cái balo trên vai thì họ cũng không chịu (trừ trường hợp một túi xách nhỏ thì được). Nếu Balo thì bạn phải thuê thêm họ tiền để họ mang Balo cho bạn. Có một số bạn hỏi tôi là thuê ngựa nhưng vẫn thích đi bộ thì có được không, câu trả lời là không nên. Bởi vì không phải người ta cấm mà vì chặng đường đi bộ rất gian nan, khi bạn đã có con ngựa bên cạnh thì bạn không còn muốn đi nữa đâu. Bạn đi chừng một đoạn bạn sẽ rất mệt và muốn leo lên trên lưng ngựa, sau khi bạn leo lên lên và ngồi một lát thì bạn không muốn xuống nữa. Do đó, theo tôi thấy chỉ nên chọn một trong hai. 

Thuê một chú ngựa làm bạn đồng hành là một sự lựa chọn sáng suốt cho những ai chưa đủ tự tin về sức khỏe của mình

Tinh thần đi Kora khi hành hương núi Kailash:

Theo quan niệm của người Tạng thì đi Kora như vậy là để tịnh hoá nghiệp, tức là tịnh hoá những nghiệp xấu từ nhiều đời nhiều kiếp và khi kết thúc vòng Kora là chúng ta trải qua một kiếp sống mới với rất nhiều nghiệp xấu được tịnh hoá. Và khi đi Kailash như vậy thì tất cả các trở ngại trong chuyến đi, sự mệt mỏi là tuỳ thuộc vào nghiệp của bạn nặng hay nhẹ. Vì vậy nếu bạn quyết tâm đi thì hảy thả lòng mình và thực hành tâm xả trong thiền thì bạn có thể đi núi Kailash dễ dàng hơn

Hãy luôn luôn nghĩ về điều tích cực. Đừng suy nghĩ “tôi không thể đi được Kailash”, “Kailsah rất nguy hiểm, tôi đọc rất nhiều bài báo rất nhiều người không thể đi được, nhiều người đến nơi bị chảy máu, nhiều người đến nơi bị mệt, nhiều người đến nơi bị thế này thế kìa”…. Công ty du lịch và đối tác của chúng tôi đã tổ chức đi hành hương núi Kailash rất nhiều lần và hầu hết mọi người đều đi trọn vẹn được vòng Kora bằng ngựa hoặc đi bộ nên hãy luôn nghĩ đên điều tích cực.

Có một số điều tiêu cực mà tôi thường nghe nói tới là ở Kailsah có chó sói. Trước đây ở Kailash có chó sói tuy nhiên hiện bây giờ thì không còn chó sói tấn công bạn. Thêm một ý nghĩ tiêu cực là “đi Kailash qua đèo tử thần  thì có thể mất mạng”. Sự thật là vẫn có có người mất mạng, đó là những người bị lạc trong thời tiết xấu là chủ yếu. Cho đến bây giờ, bạn có thể thấy người dân họ đi Kora Kailash như đi chợ; tức là xung quanh mình có rất nhiều người đi chung với mình.

Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm cuối tháng 5 và tháng 8 là hai mùa thời tiết tốt nhất và dễ dàng nhất để đi Kailash vì không có mưa, không có gió quá mạnh, đây là thời điểm giao mùa.

Kết luận lại, điều cần thiết nhất là ngoài sự chuẩn bị về mặt dụng cụ thì cần sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Hãy tự tin là mình đi được. Nếu sức khoẻ yếu thì mình đi ngựa, nếu sức khoẻ tốt thì mình đi bộ.

Sự tự tin và niềm tin là yếu tố quan trọng giúp bạn chinh phục được núi thiêng Kailash

Về bí quyết đi vòng Kora hành hương núi Kailash:

Theo tôi cái quan trọng nhất là bạn phải có một sức khoẻ tốt và một ý chí kiên định.

Vào ngày đi, bạn cần uống thuốc chống độ cao. Đối với tôi, mỗi tháng tôi đều đi Tây Tạng nên có khả năng thích ứng độ cao rất tốt nên ở độ cao 5000m tôi cũng không bị mệt nhưng mà lần đi Kora đầu tiên tôi đã không uống thuốc và hôm đó tôi đã bị mệt, tim đập nhanh bởi vì khi mình đi như vậy thì sẽ vận động rất nhiều và tạo nhiều áp lực cho quả tim. Vì vậy, lời khuyên của tôi là bạn cần phải uống thuốc độ cao hoặc dùng thảo dược ở Tây Tạng khi bắt đầu đi Kora ngay cả khi bạn đã quen thích ứng với độ cao, uống nhiều nước trong chuyến đi, và phải chấp nhận đi từ từ từ Lhasa đến Kailash, không thể đốt cháy giai đoạn mà rút ngắn thời gian chuyến đi dễ dẫn đến sốc độ cao.

Khi đi Kora, hành lý cần hết sức gọn nhẹ, quần áo giữ ấm từ đầu tới chân nhưng không quá nóng. Khi bắt đầu vòng Kora, bạn bắt đầu se lạnh và khi bắt đầu đi tới trưa bạn sẽ nóng. Trong trường hợp mới bắt đầu đi bạn đã thấy ấm thì đi một lát bạn sẽ thấy nóng vô cùng. 

Trong các chuyến đi của mình, tôi đúc kết một số phương pháp đi vòng Kora mà một số bạn đã áp dụng. Phương pháp đầu tiên là sử dụng sức khoẻ, nếu bạn thật sự có sức khoẻ tốt thì bạn có thể đi như người bình thường gần như không có gì khác biệt. Đặc biệt nếu bạn biết cách điều khiển hơi thở. Cụ thể, bạn hít vào và thở ra đều, thở ra chậm rãi, đi theo đường zig zag thì bạn sẽ ít tốn năng lượng hơn. Một số người có thể sử dụng phương pháp điều khiển hơi thở theo kiểu thiền. Cụ thể, bạn vừa đi vừa niệm 1 câu chú, ví dụ như niệm chú của Phật A Di Đà. Hít vào thở ra và niệm chú “A Di Đà Phật” (A hít vào, Di Đà Phật thở ra). Bạn điều khiển được hơi thở thì bạn sẽ không thấy mệt. 

Nhưng có một phương pháp tôi thấy là ứng dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất là đi trong Vô Niệm. Để cho rõ nghĩa, đi trong Vô Niệm là bạn đi Kailash nhưng đừng nghĩ về việc đoạn đường dài bao nhiêu, đi trong bao lâu, nghĩ số km sẽ còn phải hoàn thành, đừng nghĩ phía trước có dốc hay không có dốc, đừng nghĩ đến đoạn đường phía trước. Đừng nghĩ phía trước bạn các bạn đồng hành đã đi trước bao xa, ở phía sau có bao nhiêu bạn đồng hành còn phải đi tới. Bạn đừng đi quá nhanh hoặc quá chậm bằng họ, bạn đi bằng chính sức lực của bạn, bạn đi bằng hơi thở của bạn, hết sức điều hoà. và đầu óc đặc biệt không nghĩ ngợi bất cứ điều gì. Khi một niệm khởi lên bạn nên xã nó ra. Bạn đi như thiền, đi trong vô thức. Phương pháp này được một chú tên là Hùng, chú ấy không có thiền gì cả, chú ấy chỉ biết là phải đi một vòng Kora hành hương núi Kailash. Khi đi, chú Hùng cứ nhắm thẳng phía trước mà đi và tuyệt đối không nghĩ ngợi gì cả. Bình thường chú ấy không phải là một người có sức khoẻ tốt cũng chẳng tập thiền, chú ấy chỉ duy trì một tâm niệm là phải đi vòng Kora và chú ấy đã hoàn thành vòng Kora của mình trong trạng thái vô thức. Phương pháp này rất là hay và bạn có thể thử nghiệm.

Và còn nhiều điều chia sẻ về hành hương núi Kailash cũng như hành trình đi đến Tây Tạng, hi vọng sẽ được chia sẻ cùng các bạn trong những bài viết tiếp theo.

Đoàn hành hương núi Kaslash - Hồ Manasarovar của Migola Travel tháng 5/2016

Migola Travel

Có thể bạn quan tâm:

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

hinh-kailash-9

Kinh Nghiệm Hành Hương núi Kailash Phần 2

cu-gia-tay-tang

Người cao tuổi có thể du lịch Tây Tạng không?

Kinh nghiệm du lịch Ý – những điều bạn không thể bỏ qua.

Thời Điểm Du lịch Bồ Đào Nha lý tưởng nhất

Kinh nghiệm du lịch Bồ Đào Nha

Thử Rượu Vang ở Lavaux – Thụy Sĩ