Đến với TP.Đà Nẵng chắc hẳn không ai có thể bỏ qua thắng cảnh Ngũ Hành Sơn - một trong những địa danh nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Là một quần thể gồm 6 ngọn núi không lớn lắm nhưng lại như một bàn tay nâng đỡ vùng đất này, Ngũ Hành Sơn đã trở thành điểm tham quan du lịch cũng như hành hương thu hút đông đảo du khách gần xa.
Cách trung tâm Tp. Đà Nẵng 8km về phía Đông Nam, thuộc địa phận phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn toạ lạc giữa một không gian thơ mộng , hữu tình, nơi non nước hoà hợp tạo nên cảnh sắc như trên tiên giới.
Tuy tên gọi là Ngũ Hành Sơn tức 5 ngọn núi đại diện cho ngũ hành nhưng thắng cảnh này bao gồm 6 ngọn núi được đặt tên tương ứng với các hành trong Ngũ Hành - Âm Dương là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Thổ Sơn, Dương Hoả Sơn và Âm Hoả Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong.
Trong đó, ngọn Thuỷ Sơn là hòn lớn nhất và cũng đẹp nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất. Về hang động, trên ngọn Thủy Sơn có Hóa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Lăng Hư, Vân Thông, Thiên Long, Bàn Cờ, Tàng Chân, Chiêm Thành và Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài. Ngoài ra, nơi đây còn có các ngôi chùa Tam Thai, Tam Tôn, Linh Ứng…
5 ngọn núi của Ngũ Hành Sơn trùng với 5 hành trong thuyết Ngũ Hành của Kinh Dịch (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) là những yếu tố cấu thành vũ trụ, điều này đã tạo nên dáng vẻ huyền bí. Bên trong hang động có nhiều hình thù kỳ dị khiến du khách liên tưởng đến nhiều hình ảnh ngoài đời thực mà nguyên nhân hình thành là do bị nước mưa và khí hậu xâm thực làm xói mòn tạo nên.
Một trong những ngôi chùa thu hút nhiều khách tham quan du lịch đến nhất trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn là chùa Tam Thai. Ngôi chùa toạ lạc trên ngọn Thuỷ Sơn với hình dáng bên ngoài gồm 3 tầng tượng trưng cho 3 ngôi sao làm thành đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh, đây cũng là cách giải thích cho tên gọi của chùa. Với không gian thoáng đãng, mát mẻ, du khách khi lên đến đây sẽ cảm nhận được sự yên bình, thanh tịnh của cảnh quan chùa khiến mọi sự mệt mỏi, áp lực tan biến đi. Không những thế khi lên đến chùa, du khách còn được thưởng ngoạn khung cảnh "giang sơn hữu tình" tại Vọng Giang Đài - nơi có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ ngọt ngào và dòng sông Hàn mềm mại uốn quanh thành phố... tất cả sẽ gợi lên sự yên bình trong tâm thức mỗi người những ai từng đặt chân tới đây.
Ngoài ra, tại Đà Nẵng còn một ngôi chùa nữa nổi tiếng hơn và thu hút một lượng lớn du khách gần xa đến để hành hương lễ Phật đó là chùa Linh Ứng - đây là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất Đà Nẵng.
Trong quần thể các hang động của Ngũ Hành Sơn, Huyền Không Động là động lớn nhất, đẹp nhất và có giá trị tâm linh to lớn nhất. Động Huyền Không được ví như chiếc chuông úp sấp, vòm động tiếp xúc với không gian bên ngoài, ánh sáng rọi vào trực tiếp làm động thêm lung linh huyền ảo. Ngày nắng, động được ví như chiếc điều hòa thiên nhiên bởi không khí mát mẻ, trong lành. Đây là một trong những điều khác biệt của Động Huyền Không so với một số động khác ở Vịnh Hạ Long hay Phong Nha - Kẻ Bàng, trong khi những hang động đó đa phần là kín, ẩm ướt, luôn phải có đèn chiếu sáng thì Huyền Không Động tuy ít thạch nhũ nhưng lại là động lộ thiên, không gian thoáng đãng và sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Trong động còn có Tượng Phật Quan Âm, bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát, đền thờ bà Ngọc Phi (bà Chúa Tiên), là nơi du khách đến cầu tài, cầu lộc; đền thờ bà Lồi Phi (Chúa Thượng Ngàn) được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và sự bình an. Sâu bên phải động là Trang Nghiêm Tự - một ngôi chùa nhỏ cổ kính được xây dựng vào năm 1825, thờ Phật Quan Âm.
Ngày nay Động Huyền Không trở thành một điểm dừng chân không thể thiếu cho những ai đến với Đà Nẵng, đến với Ngũ Hành Sơn. Khung cảnh nơi đây vừa hư, vừa thực tạo ra một không gian mơ màng huyền bí, hấp dẫn và lôi cuốn sự tò mò của du khách.
Âm Phủ động là động huyền bí nhất trong quần thể các hang động của Ngũ hành Sơn. Trong động Âm Phủ được chia làm hai ngả, một ngả lên Thiên Đường và một ngả xuống Địa Ngục. Trước cửa động là chiếc cầu Âm Dương. Tương truyền rằng đây là cầu bắc qua sông Nại Hà - nơi linh hồn người đã khuất đi qua. Được biết, những nghệ nhân làng mỹ nghệ Non Nước đã làm chiếc cầu này và đặt ở đây hàng trăm năm trước.
Động có 12 cửa ngục, mỗi cửa là một vị quan cai quản. Trong lòng động có những khung cảnh tượng trưng cho truyền thuyết về âm phủ như tượng "đầu trâu mặt ngựa", suối Giải Oan để gột rửa oan ức, cân Công Lý để cân nhắc công và tội con người, ngoài ra còn có Đài Linh Anh, điện Phán Quy, điện Minh Vương, Ngục A Tỳ... Nhiều hình phạt khủng khiếp với người mang tội khi bị đày xuống Địa Ngục được mô phỏng rõ nét như nấu dầu, ngồi bàn chông, bị trói vào cột đồng châm lửa đốt…
Trong thuyết âm dương, cuộc sống, con người và vạn vật luôn có sự đối lập. Do đó mà trong động Âm Phủ còn có cả đường lên Thiên Đàng giống như cái Ác và Thiện luôn tồn tại song song trong cùng một sự vật. Khác với đường xuống địa ngục, lối lên Thiên Đường là những bậc thang được phủ sáng tự nhiên. Khu vực "đỉnh trời" hướng nhìn ra biển. Bên dưới là làng mỹ nghệ Non Nước và khung cảnh rất nên thơ.
Tham quan động Âm Phủ của núi Ngũ Hành, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến tạo thiên nhiên kỳ vỹ, còn được tìm hiểu nhiều câu chuyện truyền thuyết dân gian thú vị, thấm thía những triết lý sâu xa nhà Phật.
Ngũ Hành Sơn với những cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, quyến rũ, kỳ ảo kết hợp với Bà Nà Hill và Bán đảo Sơn Trà bên cạnh còn có biển Non Nước đã khiến cho TP Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố phát triển du lịch nhất ở vùng Trung Bộ, du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh, được hành hương lễ Phật, mà còn được nghỉ dưỡng bên bờ biển và giải trí trong những khu trò chơi mạo hiểm hiện đại.
Ngũ Hành Sơn nổi lên với sự kỳ bí, yên bình, trong trẻo đã góp phần làm nên những giá trị văn hoá, tâm linh đặc sắc của TP Đà Nẵng mà chỉ cần đặt chân đến du khách sẽ không thể nào quên.
(Migola Travel)