Cách đây hơn 1.300 năm, Công chúa Văn Thành phải mất gần 3 năm mới tới được Lhasa, còn ngày nay ngồi trên chuyến tàu T44, từ Thành Đô đến Lhasa chỉ mất 44 giờ tàu chạy. Tuyến đường sắt Thanh Tạng đã làm nên điều kỳ diệu khi nối miền Đất của chư thiên với các vùng khác của Trung Quốc, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế và du lịch.
Tuyến đường sắt Thanh Tạng
Chính thức đưa vào vận hành từ tháng 7 năm 2006, tuyến đường sắt Thanh Tạng (Qingzang Railway) trở thành tuyến đường sắt duy nhất và cực kỳ quan trọng nối liền Tây Ninh (Xining), thủ phủ tỉnh Thanh Hải (Qinghai) với Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Dài tổng cộng 1956km và vượt qua 675 cây cầu, đường sắt Thanh-Tạng chia làm 2 phần chính: phần 1 từ ga Tây Ninh đến ga Golmud dài 815km, và phần 2 từ ga Golmud đến ga Lhasa dài 1142km. Nhờ sự ra đời của đường sắt Thanh-Tạng mà ngày nay, du khách có thể đi tàu suốt từ Bắc Kinh (Beijing), Thượng Hải (Shanghai), Tây An (Xian), Quảng Châu (Guangzhou), Trùng Khánh (Chongqing), Thành Đô (Chengdu), và Lan Châu (Lanzhou) đến Tây Ninh (Xining) để từ đó đi tiếp vào Lhasa
Quá trình thi công tuyến đường sắt cao nhất thế giới:
Để hoàn tất tuyến đường sắt Thanh-Tạng với tổng chiều dài 1.956 km, người ta phải chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đoạn từ Tây Ninh đến Cách Nhĩ Mộc được khởi công từ năm 1984. Giai đoạn 2 được khởi công từ ngày 29-6-2001, đoạn từ Cách Nhĩ Mộc đến Lasa với tổng chi phí 33,09 tỷ NDT, cùng chiều dài 1.142 km. Riêng tiền đầu tư cho bảo vệ môi trường lên tới trên 1,1 tỷ NDT. Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử xây dựng đường sắt ở Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Thanh Tạng xuyên qua hai núi chính (Côn Lôn và Đường Cổ La) và 550 km đường đất nguy hiểm (đóng băng nhiều tầng, nhiều năm cùng một "khu vực cấm"). Mặc dù thi công trong điều kiện khắc nghiệt: phải đeo bình ôxy nặng 5kg nhưng không một công nhân nào trong số hơn 100.000 người tham gia xây dựng tuyến đường sắt Thanh-Tạng bị chết do sự cố hay lâm bệnh trong lúc lao động. Đây là một kỳ tích. Được biết, dọc theo tuyến đường sắt Thanh-Tạng, người ta đã cho xây dựng 115 bệnh xá cùng hơn 600 nhân viên y tế. Và lần đầu tiên ở châu Á hệ thống thông tin liên lạc GSM-R được đưa vào sử dụng trên tuyến đường sắt Thanh-Tạng.
Cũng phải kể đến những kỳ tích công nghệ khác trong quá trình xây dựng quãng đường sắt này như việc xử lý và bảo quản đường ray chạy qua những vùng băng tuyết, kể cả nước dùng trên tàu và nước xả toilet cũng được làm ấm để chống đóng băng! Vỏ tàu được thiết kế để thích nghi với thay đổi nhiệt độ giữa các miền, khoang tàu đều có trang bị hệ thống điều tiết không khí nhằm giữ không khí ở áp suất thường (thay vì mức loãng 68-70% ở những vùng cao trong Tây Tạng) và cả các máy thở oxi trong trường hợp cần thiết. Được biết còn có các nhà máy cung cấp oxi xây trên tuyến để cung cấp cho tàu.
Những cái nhất mà tuyến đường sắt này chiếm giữ:
- Là tuyến đường sắt cao nhất thế giới: trung bình trên 3000m so với mặt nước biển, hơn 960km đường ray nằm ở độ cao trên 4000.
- Có ga tàu cao nhất thế giới: ga Tanggula cao 5068m
- Có đường hầm cao nhất thế giới chạy qua vùng băng tuyết: ngầm Phong Hoả Sơn (Mt. Fenghuo Tunnel), dài 1338m trên cao độ 4905m
- Có đường hầm dài nhất thế giới chạy trên cao nguyên: ngầm Côn Lôn Sơn (Mt. Kunlun Tunnel) dài 1686m
- Là đường sắt dài nhất và chạy nhanh nhất trên vùng đất có băng vĩnh cửu: 550km trên tổng số 1956km chiều dài của đường sắt Thanh-Tạng chạy qua vùng đất có băng vĩnh cửu (Permafrost)
Các chặn dừng chân chính:
"Trên tuyến đường này, nằm giữa ga Golmud và Nagchu là nhà ga Tong Tian He (Tou Tou He hay Thông Thiên Hà theo tiếng Việt) ở độ cao 4600 m gắn với tên dòng sông chảy qua khu vực này mà chắc không ai xa lạ: sông Thông Thiên Hà trong truyện Tây Du Ký (Ngô Thừa Ân), nơi xưa kia thầy trò Đường Tam Tạng lúc đi thỉnh kinh về, vì không giữ lời hứa hỏi khi nào đắc đạo cho con giải lớn mà bị nó dìm xuống sông, theo đó cũng ứng với kiếp nạn thứ 81. Chẳng biết nơi đây còn giữ lại tảng đá có câu kinh vàng, tương truyền khi Đường Huyền Trang phơi sách cho khô, lúc thu dọn không cẩn thận đã làm rách trang Kinh Đại thừa, câu kinh theo đó mà tạc luôn vào đá.
Đối với những ai sống trên cao nguyên Thanh-Tạng thì 'Tou Tou' không gì khác chính là thượng nguồn của dòng Trường Giang (Chang Jiang) dài hơn 6300km bắt đầu từ dãy núi Tanggula thuộc cao nguyên Thanh-Tạng chảy xuôi về trung thổ, khi đến Vân Nam thì uốn mình ngoạn mục đổi hướng dòng chảy ngược lên phía Bắc để đi qua Tứ Xuyên - nơi mà người ta đặt cho nó cái tên mỹ miều là Kim Sa Giang (Jinsha River), và cuối cùng chảy qua địa phận tỉnh Giang Tô - được biết đến bằng tên quen thuộc Dương Tử Giang (Yangtze River) - trước khi đổ ra ra biển."
Đối với Tây Tạng, tuyến đường sắt này mang nhiều ý nghĩa tích cực và tiêu cực: một mặt khai thông con đường huyết mạch nối các vùng, tiết kiệm sức người sức của và đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế nhất là du lịch; mặt khác cũng là mối đe doạ tiềm tàng cho môi trường sinh thái độc đáo của Tây Tạng cũng như trực tiếp gây sức ép lên nền văn hoá lâu đời của mảnh đất cao nguyên. Còn đối với khách du lịch nói chung, và đặc biệt khách Trung Quốc nói riêng thì chỉ có lợi mà không thấy hại gì!
Migola Travel Sưu tầm và Tổng hợp
Bạn quan tâm đến các tour du lịch Tây Tạng của Migola Travel?
Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây:
Hotline tư vấn: 0366 55 66 77
Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh